Những lưu ý khi tham gia giao thông vào ban đêm

Những lưu ý khi tham gia giao thông vào ban đêm

1. Trong điều kiện không có đèn đường chiếu sáng đủ tốt, hoặc không có xe đi ngược chiều và đang đi ngoài đô thị thì bạn hãy dùng đèn pha 

Dùng đèn pha xa có thể nâng cao tầm nhìn, giảm thiểu điểm mù tầm nhìn, có thể phát hiện tình huống phía trước sớm hơn. Rất cần thiết khi vượt xe, bật tắt đèn pha xa liên tục 2 cái nhằm báo hiệu cho xe bị vượt.

2. Giảm tốc độ

Thông thường, lái xe vào ban đêm sẽ có tầm nhìn thấp hơn so với ban ngày, kể cả trên cao tốc nên sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc quan sát và phản ứng với các mối nguy hiểm tiềm ẩn. Chính vì thế, giữ tốc độ vừa phải để bạn có đủ thời gian xử lý các tình huống bất chợt trên đường. 

Một nguyên tắc nhỏ khi lái xe ban đêm là: "Giới hạn tốc độ trên các biển báo là tốc độ cao nhất có thể đạt được mà không bị phạt - nhưng đó không phải là tốc độ an toàn." Hãy chạy chậm hơn tốc độ cho phép nếu bạn bị hạn chế tầm nhìn, đặc biệt nếu bạn đi vòng quanh một góc cua hoặc đi qua đỉnh đồi, nơi tầm nhìn của bạn bị che khuất gần như hoàn toàn. Cho phép các phương tiện  khác vượt qua bạn khi cần thiết.

3.Cảnh giác với các tài xế mệt mỏi

Vào ban đêm, các tài xế có dấu hiệu mệt mỏi thường xuất hiện nhiều hơn so với ban ngày. Lái xe trong tình trạng mệt mỏi dẫn đến việc mơ màng, buồn ngủ sẽ khiến việc mất kiểm soát và tốc độ phản ứng bị giảm đáng kể, dẫn đến việc lái xe quá tốc độ hay chạy lấn đường, nếu cảm thấy có những người lái xe bất thường bạn nên di chuyển chậm vào bên lề và để một khoảng trống an toàn đủ rộng nếu họ có ý định vượt qua.

 

4. Lưu ý về đèn

Khi gặp xe đi ngược chiều vào ban đêm, đặc biệt là trên đoạn đường 2 chiều, hãy nhớ bật đèn chiếu gần. Nếu gặp phải xe đi ngược chiều bật đèn pha xa suốt, hãy sử dụng đèn pha xa - gần liên tục để ra tín hiệu biểu thị cho đối phương tắt đèn pha xa. Nếu đối phương không tắt thì chúng ta cần giảm tốc và đi về phía bên phải. 

Nếu một chiếc xe phía sau bạn đang sử dụng đèn pha có cường độ ánh sáng cao làm bạn khó chịu, hãy thử điều chỉnh gương chiếu hậu để tránh ánh sáng chói vào mắt làm khuất tầm nhìn. Nếu cần, bạn thậm chí có thể di chuyển gương để chiếu ánh sáng lại vào người lái xe và cảnh báo anh ta về lỗi lầm của mình.

5. Tăng khoảng cách với xe phía trước

Lái xe vào ban đêm rất dễ mệt mỏi, khả năng quan sát và phản ứng đều giảm. Vì vậy, cần tăng khoảng cách với xe phía trước, tối thiểu là gấp đôi khoảng cách xe ban ngày để khi gặp tình huống bất ngờ, chúng ta sẽ có đủ thời gian và khoảng cách để xử lý.

6. Nghỉ giải lao khi có thể

Việc lái xe một quãng đường dài, đặc biệt là trong đêm sẽ dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ và đây có thể gây ra nhiều rủi ro. Tình trạng này dẫn đến việc suy giảm nhận thức, các phản ứng cũng bị giảm và chậm hơn nhiều so với lúc tỉnh táo. Nếu cảm thấy mình không tỉnh táo, hãy tìm một trạm dừng chân gần nhất và cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, hoàn toàn có thể tập trung trước khi quay trở lại đường.

Nếu bạn quá mệt mỏi và muốn ngủ một giấc, hãy tìm một điểm dừng chân và ngủ một lát, việc đậu xe ở lề đường và ngủ trên xe chưa bao giờ là một ý hay. Vào ban đêm đầy dẫy những rủi ro như trộm cướp hay những kẻ quái gở có thể làm hỏng chiếc xe của bạn, vì thế với những khu vực ngoại ô hay hoang vắng, bạn nên ý thức những mối nguy hiểm tiềm ẩn và lựa chọn giải pháp tốt nhất, việc an toàn nên được đặt lên hàng đầu, điều này quan trọng hơn  nhiều so với việc bạn đến muộn hay lỡ hẹn.

Bên cạnh đó, hãy giữ tỉnh táo bằng cách nói chuyện với bạn đồng hành (nếu có), bật những dòng nhạc hào hứng, sôi động sẽ khiến bạn tỉnh táo hơn hoặc có thể chọn dừng chân tại một số địa điểm như: ăn nhẹ ở một nhà hàng nhỏ, uống một ly nước tại quán nước, các điểm dừng chân, … để giữ cho bản thân tỉnh táo trở lại khi tham gia giao thông. 

Nguồn: sưu tầm tư liệu web.  

Bài trước Bài sau